Bi hài chuyện hợp đồng xây dựng

Nghịch lý

Theo phản ánh của một số nhà thầu, từ cơ chế chính sách, công tác đấu thầu, loại hình hợp đồng, điều khoản hợp đồng, bàn giao mặt bằng, thời gian thi công, tiến độ giải ngân, thanh toán nợ, tư vấn thiết kế, thanh tra kiểm tra, bảo lãnh ngân hàng, trượt giá, biến động giá bất thường… đều có lợi cho chủ đầu tư, đẩy nhà thầu xây dựng vào thế bị chèn ép bất lợi. Trong hoàn cảnh hiện nay thì DN xây dựng lâm vào cảnh khó khăn thậm chí đứng trên bờ vực phá sản.

Anh Võ Văn Hai - Giám đốc Cty Xây dựng Nhật Minh ký hợp đồng với chủ đầu tư là Sở GTVT Bình Định về thi công đường vành đai TP Quy Nhơn. Sau khi hoàn tất các hạng mục nhưng không được thanh toán theo hợp đồng đã ký. Sau nhiều lần đối chất, đại diện Sở GTVT giải trình rằng việc chậm thanh toán là có thật, Sở đồng cảm với DN, xác nhận khối lượng công việc hoàn tất thủ tục thanh toán. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ Sở chỉ là chủ đầu tư trên danh nghĩa, thực hiện chủ trương của TP theo kế hoạch, còn phần thanh toán lại phụ thuộc vào Sở Tài chính. Mà đại diện Sở Tài chính Bình Định cũng cho biết, chủ đầu tư muốn thanh toán cho nhà thầu cũng không được, vì ngân sách vốn phải được duyệt chi theo kế hoạch phân bổ và nguồn tiền từ Trung ương chuyển về. Như vậy là nhà thầu xây dựng không biết kêu ai, vì hợp đồng tự nguyện ký, nếu không ký thì chủ đầu tư sẽ giao cho bên khác, mà bên khác cũng là DN trong tỉnh giống nhau cả thôi. Còn bàn đến vấn đề kiện cáo, chả nhà thầu nào dám kiện chủ đầu tư vì kiện xong thì những dự án sau… đừng vào đấu thầu nữa. Còn nếu có thắng kiện thì tiền cũng không có để trả, vì đó là tiền của nhà nước, thôi thì ngậm đắng nuốt cay. “Vấn đề đặt ra là có nhiều hợp đồng đã thực hiện xong từ cách đây hàng chục năm nhưng nhà thầu vẫn phải tiếp tục đòi, còn đòi được thì tốt mà không đòi được thì cứ treo công nợ đó, vài năm sau hết lãi”, ông Hai chia sẻ.

Theo ông Bùi Trần Hà - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Bình Định thì, nhà thầu xây dựng không được lựa chọn hình thức hợp đồng cho chủ đầu tư đã lựa chọn hình thức trong kế hoạch đấu thầu. Trúng thầu rồi mới thương thảo, trong khi luật của thế giới và của WB là giai đoạn thương thảo chiếm nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng trời cho một điều khoản cụ thể của hợp đồng. Khi ký kết thì cả bên A và bên B đều chọn phương án chung chung, nếu có vấn đề gì phát sinh thì giải quyết theo quy định của nhà nước.

Ông Trịnh Thanh Hà - Giám đốc Cty Tư vấn thiết kế giao thông Bình Định bức xúc: Nhà thầu thì có những dự án chạy tiến độ bị ép phải hoàn thành kịp chào mừng, kỷ niệm phải ứng tiền thi công trước. Vậy nhưng khi giá thị trường biến động nhưng thanh toán thì còn chờ hướng dẫn, không có điều khoản áp dụng ngay. Thanh toán mà đòi được thì mừng, không đòi được cũng không ai chịu trách nhiệm thì hợp đồng cũng chỉ là để cho có mà thôi”.

Đề xuất gỡ khó cho nhà thầu

Ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng), cho rằng: Chỉ số giá công trình xây dựng của tỉnh ban hành vô cùng quan trọng. Căn cứ vào chỉ số này sẽ giảm giá thành tổng mức đầu tư, giảm thủ tục hành chính cho chủ đầu tư và nhà thầu, giảm tranh chấp, giải trình hoá đơn chứng từ giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

Giá đấu thầu bị lạc hậu (thiếu yếu tố trượt giá, chưa bất khả kháng, giá dự phòng, các điều khoản trong hợp đồng bị cho qua loa, không được quan tâm. Nhà thầu tâm lý tin tưởng chủ đầu tư, nhanh nhanh ký để nhận được công trình. Phải có các điều khoản cụ thể, đàm phán với nhau để sau này phát sinh xử cho dễ. Các nhà thầu cần thương thảo và đề nghị thể hiện rõ trong hợp đồng về thời gian, thanh toán dẫn đến tranh luận gay gắt nhất. Hiện luật nhà nước giao nhiều nội dung cho chủ đầu tư và tỉnh quyết định, thông thoáng và thuận lợi. Công tác hậu kiểm của Kho bạc cũng được gỡ bỏ, không có trách nhiệm về khối lượng, mức đầu tư mà chủ đầu tư được phép duyệt.

Ông Bùi Trần Hà chỉ ra trên thực tế, nhiều công trình địa phương không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng nhà thầu nơi khác đến trúng thầu rồi giao lại cho nhà thầu địa phương làm thầu phụ, nhất là những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, có lèo lái khiến nhà thầu địa phương rất thiệt thòi. Đây là lỗi thuộc về cơ chế. “Khắc phục điều này, không còn cách nào khác là nhà thầu địa phương phải phát triển thành DN lớn. Trước tình hình có nhà thầu có năng lực thiết bị nhưng thiếu công trình, có nhà thầu có công trình thì thiếu năng lực thiết bị. Cần thiết có sự hợp tác liên kết giữa các nhà thầu xây dựng để hỗ trợ cùng nhau thực hiện công trình. Điều này trước đây chính các nhà thầu thường giữ kẽ với nhau thì nay cần tăng cường liên doanh liên kết tốt hơn”, ông Hà gợi ý.

baoxaydung

Liên hệ với chúng tôi